Mưa sao băng Perseids có thể kéo dài cả tuần (từ 08/08 đến13/08/2011)

0
2160

Trận mưa sao băng Perseids có thể được quan sát từ đêm 8/8 cho đến đêm cực đại vào thứ bảy (13/8). Điều này đã khiến các bạn trẻ yêu thiên văn học rất hứng thú.

Trận mưa sao băng Perseids là một trong những trận mưa sao băng lớn nhất trong năm với cực điểm sẽ diễn ra vào rạng sáng ngày 13 và 14 của tháng 8 này. Nguồn gốc của trận mưa sao băng này là sao chổi Swift – Tuttle. Vào cực điểm, mưa sao băng Perseids cho phép quan sát 60 – 100 vệt sao băng mỗi giờ. Đặc biệt, một phần không nhỏ trong số đó là sao băng dài và sáng.
Trên thực tế, các sao băng của trận mưa sao băng này xuất hiện kéo dài suốt từ 23/7 tới 22/8, tuy nhiên chỉ ở mật độ khá nhỏ, trừ thời gian cực điểm là rạng sáng ngày 13 và 14/8.
Mưa sao băng (ảnh minh họa)
Hình ảnh về sao băng tuyệt đẹp ở Tromso, Na Uy (Nguồn: Đất Việt)

 

Thời điểm lý tưởng nhất để chiêm ngưỡng hiện tượng lí thú này là từ 2h đến 4h sáng. Bạn hoàn toàn có thể quan sát bằng mắt thường và không cần sự trợ giúp của kính thiên văn hay ống nhòm.
Tuy nhiên, điều khiến các bạn trẻ lo lắng là thời gian cực điểm của trận mưa sao băng vào đúng thời điểm trăng rằm, nên ánh trăng sẽ gây cản trở cho việc quan sát. Bởi vậy, nhiều bạn trẻ cho biết, sẽ tổ chức quan sát sớm hơn. Nhưng yếu tố quyết định để quan sát trận mưa sao băng này vẫn là thời tiết. Nếu thời tiết thuận lợi có thể chờ đến cực điểm mưa sao băng để chiêm ngưỡng.
Trước đó, thông tin có trận mưa sao băng Eta Aquarids xuất hiện vào rạng sáng 6/5/2011 cũng làm nhiều bạn trẻ háo hức. Tuy nhiên, do bầu trời nhiều mây vào thời điểm này đã khiến việc quan sát gặp nhiều khó khăn. Không ít người yêu thích thiên văn đã phải thất vọng.

Theo từ điển wikipedia Sao băng, hay sao sa, là đường nhìn thấy của các thiên thạch và vẫn thạch khi chúng đi vào khí quyển Trái Đất (hoặc của các thiên thể khác có bầu khí quyển). Trên Trái Đất, việc nhìn thấy đường chuyển động của các thiên thạch này là do nhiệt phát sinh ra bởi áp suất nén khi chúng đi vào khí quyển. Khi thiên thạch chuyển động với vận tốc siêu thanh, nó sinh ra các sóng xung kích (shock wave) do nó “va chạm” với các “hạt” của khí quyển và nén chúng nhanh hơn so với chúng có thể dãn ra khỏi đường chuyển động của thiên thạch. Với vận tốc cao như vậy, các phân tử không khí trên đường đi của thiên thạch bị nung nóng bởi sóng xung kích, hoặc bị nén quá mạnh đến mức nhiệt độ của sóng xung kích tăng lên đến hàng ngàn độ và làm cho các thành phần vật chất của thiên thạch bị nung đến nóng sáng. Những sao băng sáng, thậm chí sáng hơn cả độ sáng biểu kiến của Kim Tinh, đôi khi được gọi là quả cầu lửa. Fire ball thực sự là 1 hiện tượng lí thú trong thiên văn quan sát.

M. Châu (Tổng hợp)

Bình luận bằng Facebook

comments