29/2 – cầu hôn bạn trai nhất định thành công

0
4110

Hẳn đã có không ít người được nghe về một quan niệm truyền thống trong ngày nhuận 29/2 – ngày mà chỉ 4 năm mới có một lần. Quan niệm này nói rằng: Nếu một người đàn ông nhận được một lời cầu hôn vào ngày 29/2 của năm nhuận thì người ấy chắc chắn sẽ đồng ý. Đây là một truyền thống của Ai Len – đất nước của nhiều câu truyện truyền thuyết đặc sắc.

Tôi được biết đến truyền thống độc đáo này qua một bộ phim hài lãng mạn và giản dị của đạo diễn Anand Tucker – Leap Year (Năm Nhuận). Phim được công chiếu tại các rạp Việt Nam năm 2010 dưới cái tên “Cô gái đi tìm tình yêu”. Phim xoay quanh câu chuyện về cô gái Anna Brady trên hành trình đi cầu hôn người bạn trai lâu năm của mình là Jeremy đang đi công tác xa tại Dublin, cô nhất định phải gặp được Jeremy vào đúng ngày 29/2 để chắc chắn rằng kết quả của lời cầu hôn sẽ là một đám cưới.

Leap Year

Tuy nhiên trên cuộc hành trình của mình Anna đã phải trải qua không ít gian nan. Như một sự sắp đặt của số phận, cô gặp được (hay “gặp phải”) “gã cục cằn” Declan – một anh chàng Ai Len chính gốc và hai con người ấy đã, một cách tình nguyện, và cả bất đắc dĩ, đồng hành cùng nhau để đưa được Anna đến với Jeremy. Trải qua hàng loạt những chướng ngại trên con đường cầu hôn để rồi rút cuộc chính Declan lại trở thành chướng ngại lớn nhất đối với Anna.

Tình yêu bốn năm hay một người đàn ông mới gặp hai ngày? Cuộc sống đầy đủ hào nhoáng hay bình dị gần gũi – nơi ta có thể nhận ra chính mình? Có khi nào ta nghĩ rằng yêu chỉ là một thói quen? Những câu hỏi không chỉ cho riêng Anna mà cho cả những cô gái đang kiếm tìm hạnh phúc. Đâu mới là tình yêu đích thực?

Bộ phim đưa ra một câu hỏi mà có lẽ sẽ giúp bạn nhận ra rõ ràng nhất vị trí của mình trong con mắt người bạn đời tương lai: “Giả sử ngôi nhà của anh bị cháy và chỉ có 60 giây để thoát thân, anh sẽ ưu tiên cứu đồ vật gì?”.

Leap Year

Leap Year

Khi thưởng thức Leap Year, bạn sẽ không chỉ được chìm trong một không gian lãng mạn tươi sáng của một tình cảm mới chớm giữa hai con người tưởng chừng rất khác biệt nhau, không chỉ được thoải mái với những chi tiết hài hóm hỉnh duyên dáng trong bao nhiêu tình huống oái oăm mà hai nhân vật chính gặp phải, không chỉ nhận ra những giá trị đích thực của sự chăm sóc, quan tâm và của tình yêu, mà còn được trôi theo miền không gian “đặc sệt” Ai Len với quang cảnh thoáng rộng xanh ngát, với cảnh vật yên ả mà sống động, với những người dân thường dễ gần và tốt bụng, với những điệu múa tập thể truyền thống đầy sinh khí, và với một thế giới âm nhạc giân dan Ai Len vô cùng độc đáo.

Leap Year

Cô gái tóc đỏ Amy Adams trong vai Anna được đông đảo công chúng biết tới khi trở thành “vị hôn thê” của chàng lãng tử Leonardo Dicaprio trong Catch me if you can (Hãy bắt tôi nếu có thể – 2002) và bất ngờ giành được đề cử Oscar năm 2005 cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc. Không thực sự xinh đẹp, lộng lẫy nhưng Amy sở hữu một gương mặt thánh thiện, trẻ trung và đôi mắt biết nói. Chính lối diễn xuất nhẹ nhàng, đằm thắm, tự nhiên của Amy đã đem đến cho Leap Year sự gần gũi, chân thật với hiện thực đời sống.

Vào vai anh chàng Declan là nam tài tử người Anh – Matthew Goode. Năm 2004, Goode xuất hiện trong Chasing Liverty, lần đầu tiên giới thiệu hình ảnh của mình với khán giả Mỹ. Gương mặt điển trai, lạnh lùng của Goode rất phù hợp để vào vai người đàn ông bề ngoài khô khan khó chịu nhưng bên trong lại rất giàu tình cảm của Declan trong Leap Year.

Leap Year

Mặc dù đã được sản xuất cách đây 2 năm và nhận được nhiều bình luận và đánh giá trái chiều, thì có một điều không thể phủ nhận đó là Leap Year đã mang đến một màu sắc thực sự đặc biệt về một đất nước yên lành xoay quanh những câu chuyện truyền thuyết, những quan niệm cổ xưa, và cả cuộc sống Ai Len đương đại, và cuối cùng truyền đi thông điệp giản dị cho một tình yêu đích thực. Leap Year chắc chắn là một bộ phim rất thích hợp để các bạn thưởng thức lại trong một ngày mà 4 năm chỉ xảy đến một lần này. Và biết đâu bộ phim sẽ tiếp thêm sức mạnh tỏ bày cho những “cô gái đi tìm tình yêu”.

(Thu Hà)

Bình luận bằng Facebook

comments