Nghi vấn quanh ‘thần dược’ của NASA

0
1051

Ngay sau bài báo trên DailyMail về loại thức uống kỳ diệu giúp trẻ hóa và xóa nếp nhăn của NASA, nhiều nguồn tin đã lên tiếng phản pháo thông tin này.

 

Thần dược Hình ảnh được cho là phản ánh tác dụng thần kỳ của AS10 đăng tải trên DailyMail.

Trang Spaceref.com cho rằng, trái với những lời có cánh được phản ánh trong bài, NASA không hề tiến hành nghiên cứu nào về chống nhăn da và Đại học Utah cũng vậy.

Hồi đầu tuần, New York Daily NewsDailyMail là hai tờ báo tuyên bố một loại thức uống mà NASA phát triển cho các phi hành gia để giúp bảo vệ họ khỏi bức xạ vụ trụ trên thực tế lại có sức mạnh khó tin trong việc chống nhăn, mụn và các tổn thương của da do tia tử ngoại gây ra.

Hai tờ này cũng cho hay, nghiên cứu của Đại học Utah đã chứng minh “thần dược” AS10 cho thấy kết quả “kỳ diệu” trên 180 tình nguyện viên. Chỉ sau 4 tháng uống đều đặn AS10 hai lần mỗi ngày, các vết thâm, nám do tia UV đã giảm tới 30% còn nếp nhăn giảm 17%.

AS10 được cho là có thành phần gồm rất nhiều loại quả hiếm, giàu chất chống oxy hóa và vitamin như acai, dâu, nho, lê, trà xanh, lựu, cupuacu… Các bài báo cũng dẫn lời Tiến sĩ Aaron Barson, một chuyên gia về dinh dưỡng của Đại học Utah để ca ngợi tác dụng của AS10.

Tuy nhiên, Spaceref.com cho biết họ không tìm thấy bất cứ tin tức nào về phát hiện này của Đại học Utah. Họ cũng kiểm tra xem có ai có tên như vậy đang công tác ở Đại học Utah hay không. Kết quả chỉ là một người có tên “Barson Jr, Aaron”, Khoa Y – không một thông tin liên hệ nào như địa chỉ email hay số điện thoại. Tương tự, cũng chưa có bất cứ một tạp chí hay ấn phẩm in nào đưa tin về “nghiên cứu” của Đại học Utah.

Năm ngoái, loại thức uống AS10 này cũng được nhắc đến trên kênh 26 của truyền hình Mỹ. Thông cáo báo chí phát đi tuyên bố “Kết quả nghiên cứu là một ví dụ nữa về thành tựu vượt bậc của khoa học dinh dưỡng có được từ sự hợp tác giữa NASA/JSC với AmeriSciences – một quan hệ đã kéo dài được 6 năm”.

Thế nhưng nếu bạn truy cập vào website của AmeriSciences sẽ thấy tổ chức này không còn hoạt động nữa. Trường Đại học Utah cũng xác nhận ông Aaron V Barson là một phó giáo sư cộng tác từng làm việc ở Utah từ năm 1988-2002. Hiện ông không có bất cứ mối liên hệ nào với trường.

Còn theo thông tin từ NASA PAO, loại thực phẩm chức năng AS10 được nhắc đến trong bài báo không phải là sản phẩm của NASA. “Nó có thể dựa trên một sản phẩm vốn do AmeriSciences phát triển nhưng bản thân NASA chưa từng sử dụng bất cứ sản phẩm nào kiểu này, càng không tiến hành bất cứ nghiên cứu nào để chứng minh tác dụng của chúng”.

Y Lam

Bình luận bằng Facebook

comments