Vì sao đá biết đi ở thung lũng Chết?!

0
3563

Các nhà khoa học Mỹ mới đây đưa ra nguyên nhân giải mã cho sự chuyển động của các hòn đá ở thung lũng Chết, một hiện tượng bí ẩn được biết đến từ nhiều năm qua.

>> 7 hòn đá kỳ lạ nhất của tự nhiên
>> Bí ẩn những hòn đá tự bốc cháy
>> Thị trấn có 1-0-2: Tất cả sống dưới “một hòn đá” khổng lồ

Đá biết đi trong lòng hồ cạn Racetrack Playa ở thung lũng Chết là một hiện tượng bí ẩn được biết đến từ những năm 1940. Đá nằm rải rác trên lòng hồ với nhiều kích thước, bao gồm những hòn đá có thể nặng đến 320 kg. Sự dịch chuyển của chúng để lại phía sau những đường trượt dài theo hướng khác nhau.

Sự dịch chuyển của các hòn đá tạo ra những đường trượt dài phía sau. Ảnh: Discovery News
Sự dịch chuyển của các hòn đá tạo ra những đường trượt dài phía sau. Ảnh: Discovery News

Sau nhiều năm nghiên cứu, giới chuyên gia từng đưa ra nhiều giả thiết lý giải việc những hòn đá này tự dịch chuyển, trong đó có nguyên nhân như lốc xoáy bụi, cuồng phong, sự trơn trượt của tảo hay các lớp băng

Mùa đông năm 2011, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học San Diego sử dụng trạm khí tượng để đo khoảng cách gió, đồng thời gắn thiết bị định vị GPS lên 15 hòn đá và mang đến khu vực này. Tháng 12/2013, họ quay lại Racetrack Playa và phát hiện nơi này bị ngập sâu trong nước 7 cm. Ngày 21/12/2013, hiện tượng nứt vỡ băng xuất hiện vào khoảng giữa trưa, tạo ra những tiếng nổ lách tách từ bề mặt nước đóng băng.

Qua nghiên cứu, nhóm chuyên gia nhận định rằng, sự dịch chuyển của các hòn đá là kết quả của nhiều hiện tượng và điều kiện khác nhau. Vào mùa đông, khi vùng lòng hồ ngập nước, băng nổi sẽ xuất hiện, tuy nhiên, mực nước đủ nông để không ngập hết đá. Nhiệt độ giảm khiến mặt hồ đóng băng thành các mảng băng mỏng, đủ dày để chịu lực nhưng có độ mỏng vừa phải để có thể dịch chuyển.

Mặt trời ló rạng, băng tan và nứt vỡ thành các mảng trôi nổi. Sức gió khiến chúng bị thổi trôi, đẩy đá về phía trước. Đá dịch chuyển tạo thành vệt dài trên mặt hồ. Các mảng băng mỏng từ 3 đến 5 mm dịch chuyển nhờ những cơn gió có vận tốc từ 3 đến 5 m/s, có thể đẩy đá trượt dài trên bề mặt với vận tốc chỉ vài cm/s. Trong hai tháng rưỡi, nhóm nghiên cứu ghi nhận 5 lần dịch chuyển, một số lần được quan sát với sự di chuyển của hàng trăm hòn đá.

Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/vi-sao-da-biet-di-o-thung-lung-chet-3051696.html

Bình luận bằng Facebook

comments