Những con số thú vị về cách tiêu tiền của người Việt

0
1659

Quần áo, các dịch vụ giải trí là hai nhu cầu bị cắt giảm nhiều nhất, sau đó đến điện và ga, điện thoại “xịn”, mua đồ công nghệ mới. Người dân Việt Nam ngày càng chắt bóp chi tiêu.

>> Những con số gây “choáng” về người Việt
>> Người Việt duy nhất trong top 192 lãnh đạo trẻ toàn cầu
>> Trịnh Hữu Châu-Người Việt thứ hai bay vào vũ trụ

Theo những con số mới nhất được công bố từ công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, 85 trên 100 người Việt đang thay đổi thói quen tiêu dùng của mình. Người Việt trong năm 2014 sử dụng phần lớn thu nhập của mình cho các chi phí duy trì cuộc sống cơ bản cá nhân thay vì chi tiêu cho các hạng mục khác như mua sắm những mặt hàng cao cấp hay đồ điện tử.

Cụ thể, 62-63% dân số cắt giảm chi tiêu cho việc sắm sửa quần áo cũng như các dịch vụ giải trí bên ngoài. Đây là 2 nhóm nhu cầu bị cắt giảm nhiều nhất, bên cạnh việc người dân cũng cố gắng sử dụng ít điện và gas hơn. Ngoài ra, chi phí sử dụng điện thoại, mua mới đồ công nghệ hay ăn uống bên ngoài cũng được hơn 40% dân số cắt giảm. Có thể thấy, đây đều là những nhóm hàng có chi phí giá trị gia tăng cao hơn rất nhiều so với giá trị cơ bản, và cũng dễ hiểu khi người dân có thể tạm thời tiết kiệm tiền bạc dành cho chúng.

Bên cạnh đó, khoảng 20% dân số cũng chi ra ít tiền hơn cho các nhu yếu phẩm hàng ngày, thông qua việc không sử dụng hoặc tìm đến các nhãn hàng có giá thành thấp hơn. 22% người Việt bỏ hút thuốc để tiết kiệm tiền. 21% tìm đến các nhãn hàng thực phẩm có giá rẻ hơn. 16% sẵn sàng uống những loại rượu giá mềm hơn. Đó là những con số cho thấy chúng ta đang trong thời kỳ mà khẩu hiệu “tiết kiệm là quốc sách” lên ngôi.

Trong thời kỳ khẩu hiệu "tiết kiệm là quốc sách" lên ngôi, nhu cầu của người dân cũng dần giảm bớt. Ảnh: Anh Tuấn
Trong thời kỳ khẩu hiệu “tiết kiệm là quốc sách” lên ngôi, nhu cầu của người dân cũng dần giảm bớt. Ảnh: Anh Tuấn

So với các quốc gia lân cận, Việt Nam đang trong top các quốc gia tiết kiệm nhất, chỉ đứng trên Thái Lan khi 92% dân số nước này đang thay đổi xu hướng tiêu dùng sang hướng tằn tiện cho chi phí sinh hoạt.

Nhìn sang các quốc gia láng giềng có nền kinh tế mạnh như HongKong hay Singapore, dân số các nước bạn vẫn có xu hướng chi tiêu thoải mái khi chỉ 50% dân số quan tâm tới vấn đề tiết kiệm cho chi phí sinh hoạt cá nhân. Các quốc gia trong khối ASEAN như Myanmar, Philippines hay Indonesia đều có tỷ lệ 80%, nhỉnh hơn một chút so với Việt Nam.

Điểm đáng chú ý trong báo cáo trên là việc những người thuộc tầng lớp trung lưu đa số có xu hướng tiêu nhiều tiền hơn trước, kể cả trong chi phí bắt buộc lẫn chi phí dành cho mua sắm hay du lịch. Tuy vậy, khảo sát cũng chỉ ra rằng, người Việt đang trở nên “thông minh” hơn khi mua sắm. 83% số người trước khi chi tiền mua sắm đều làm phép so sánh giữa các mặt hàng. 81% tự tin nắm rõ giá cả và 55% luôn kiểm tra giá thành cẩn thận.

Bên cạnh giá cả, chất lượng mặt hàng cũng là yếu tố được người tiêu dùng quan tâm khi 73% số người được hỏi thừa nhận có thể chi nhiều tiền hơn với điều kiện chất lượng mặt hàng thực sự tốt hơn. Điều này cho thấy người Việt có sự quan tâm đồng đều giữa giá cả và chất lượng, cũng như sử dụng đồng tiền “thông thái” hơn trước.

Một điểm thú vị nữa, chính là việc đại bộ phận dân số có xu hướng gia tăng tiêu dùng cho trẻ em. Ngày càng nhiều các cửa hàng chuyên buôn bán các mặt hàng cho bé mọc lên, bên cạnh doanh số bán hàng cho nhóm này cũng tăng chóng mặt. Nếu chúng ta vẫn thường hay nói “vì tương lai con em chúng ta”, thì những con số như 6.338 cửa hàng dành cho trẻ em hay 56% tăng trưởng trong nhóm hàng dinh dưỡng dành cho các bé là các bằng chứng hùng hồn nhất cho nhận định trên.

Nguồn: http://news.zing.vn/Nhung-con-so-thu-vi-ve-cach-tieu-tien-cua-nguoi-Viet-post504522.html

Bình luận bằng Facebook

comments