Ai là người phát minh ra đàn piano (dương cầm)?!

0
11881

Đàn Piano (Dương cầm) được Bartolomeo Cristofori (1655-1731), người Ý phát minh năm 1709. Và hôm nay Google đổi logo trên trang chủ để kỷ niệm 360 năm ngày sinh nhật của cha đẻ đàn Piano

>> Kinh ngạc với màn chơi Piano đẳng cấp của cậu bé … 4 tuổi
>> Ấn tượng với bản nhạc của 5 người cùng chơi đàn piano
>> Chú mèo mù mê đàn piano

Đàn Piano

Là một nhạc cụ thuộc bộ gõ, rất phổ biến và được ưa chuộng trên toàn thế giới. Nhạc cụ được coi là vua của các loại nhạc cụ bởi nó có thể đánh được toàn bộ các nốt của các nhạc cụ khác trong dàn nhạc (5 quãng 8)

Trước khi lên ngôi vị “vua của các loại nhạc cụ” như hiện nay, đàn piano đã phải sống với một địa vị “thấp kém”, chẳng ai ngó ngàng tới. Lúc đầu, hình dáng nó khác hẳn với cây piano ngày nay và điều đặc biệt là nó đã bắt đầu với … một dây – đó là loại đàn độc huyền của người Hy Lạp.

Steinway & Sons concert grand piano, model D-274, manufactured at Steinway's factory in Hamburg, Germany.png
Đàn Piano

Theo sử sách ghi chép lại, những cây dương cầm đầu tiên được Cristofori chế tạo vào năm 1709. Như vậy tính đến nay, dương cầm đã hơn 300 tuổi. Theo thời gian, tên của cây đàn được rút ngắn lại còn “Pianoforte”, và cuối cùng là “Piano” như ngày nay. Hiện nay còn 3 cây dương cầm do chính tay Cristofori chế tạo, gồm có:

– Cây đàn sản xuất năm 1720, có bàn phím 54 nốt với miếng gỗ tăng âm được đặt thêm vào năm 1938. Hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Metropolitan ở New York, Mỹ.

– Cây đàn sản xuất năm 1722, có âm vực 4 ốc-ta (octave – quãng tám), hiện ở tại Bảo tàng Nhạc cụ quốc gia ở Rome, Ý.

– Cây đàn sản xuất năm 1726, có âm vực 4 ốc-ta, hiện ở tại Bảo tàng nhạc cụ của Đại học Leipzig, Đức.

Trên các cây dương cầm này đều được khắc dòng chữ: “BARTHOLOMAEVS DE CHRISTOPHORIS PATAVINUS INVENTOR FACIEBAT FLORENTIAE [date]”, nghĩa là: “Nhà phát minh Bartolomeo Cristofori của Padua tạo ra chiếc đàn này ở Florence vào [ngày (được ghi bằng chữ số La Mã)]”.

Cây dương cầm được Cristofori chế tạo năm 1726
Cây dương cầm được Cristofori chế tạo năm 1726

Đàn piano với âm thanh và sắc thái phong phú, tinh tế, khi thì vang dội như sấm sét, khi thì nhỏ nhẹ, êm ái, đã chinh phục được giới nhạc sĩ cũng như người yêu âm nhạc. Thành công ban đầu của đàn piano đã thúc đẩy các nhà chế tạo nhạc cụ tiếp tục cải tiến để làm nó ngày càng hoàn hảo. Đàn piano ngày nay là sản phẩm cải tiến của rất nhiều thế hệ nghệ nhân chế tạo đàn. Hiện nay đàn piano đã đạt tới sự hoàn chỉnh về cơ học, một động tác nhấn nhẹ lên phím cũng truyền đến được dây đàn.

Vì sao Piano được coi là Vua của các loại nhạc cụ?

  1. Ngoại trừ đàn pipe organ ra thì piano là cây đàn lớn nhất trong thế giới nhạc cụ. Có những cây grand piano dài đến hơn 3m.
  2. Tính linh hoạt của piano hơn hẳn các nhạc cụ khác, kể cả violin cho dù có nhiều kỹ thuật biểu diễn mà chúng ta chỉ có thể thực hiện trên đàn violin chứ không thể hoặc rất khó thực hiện trên đàn piano.
  3. Là một “ban nhạc một người” (one-man band) rất hiệu quả. Chúng ta có thể chơi trên piano mọi thứ, từ những giai điệu đơn giản đến phức tạp nhất và cả đàn phần đệm cùng
  4. Âm vực của đàn rộng nhất. Không có nhạc cụ nào cho phép diễn tả nhiều nốt trên một âm vực trải rộng như piano. Đây là nhạc cụ duy nhất có tới 88 phím riêng biệt và lại có thể chơi cùng lúc những nốt ở âm vực cao nhất với âm vực thấp nhất.
  5. Có khả năng rất phong phú trong việc diễn đạt các biến cường. Chúng ta nghe được trên piano từ tiếng “leng keng” êm ái nhất ở âm vực cao nhất của đàn đến những âm thanh ở âm vực thấp trầm hùng, mạnh mẽ như bão tố. Đó là lý do tại sao piano luôn được chọn là cây đàn đệm cho những nhạc cụ độc tấu khác nhưng đồng thời cũng có thể là cây đàn độc tấu đối thoại với cả dàn nhạc giao hưởng

Ngoài ra, tùy theo lực đánh và cách đánh của ngón tay mà tiếng đàn có thể thay đổi nhiều dạng. Các nhạc cụ khác không thể “bắt chước” được như vậy nên Piano được gọi là “đàn Vua” của các loại đàn.

Ai đã phát minh ra đàn Piano?!

Cristofori (tên đầy đủ là Bartolomeo Cristofori di Francesco) – sinh ngày 4/5/1655 tại thành phố Padua của nước Cộng hòa Venice (ở Đông Bắc nước Ý ngày nay) – là người sáng chế ra đàn PIANO – dương cầm, một trong những phát minh vĩ đại nhất của mọi thời đại.

Bartolomeo Cristofori
Bartolomeo Cristofori . Ảnh: Wikipedia

Bức chân dung duy nhất của Cristofori được vẽ vào năm 1726, miêu tả sinh động nhà phát minh đang hãnh diện đứng bên cây dương cầm – đứa con tinh thần của mình, bên trái ông là một mảnh giấy được cho là chứa đựng cơ cấu hoạt động của dương cầm. Thật không may là bức tranh này đã bị hư hỏng trong Chiến tranh Thế giới thứ II và hiện nay chỉ còn lại bức ảnh chụp của nó.

Tuy đàn piano có nhiều ưu điểm, nó vẫn chưa được các nhạc sĩ dùng ngay và Bartolomeo Cristofori đã ra đi trong nghèo túng, không kịp chứng kiến phút đăng quang của đứa con do mình tạo ra và bản thân ông cũng không được nhiều người biết đến.

Bartolomeo Cristofori di Francesco – nhà phát minh nhạc cụ lỗi lạc – mất ngày 27/1/1731 tại Florence khi chưa được nhiều người biết đến. Để ghi nhận công lao của ông, 150 năm sau khi ông mất, người ta đã cho dựng một tượng đài tưởng niệm tại thành phố Padua quê hương ông. Hiện nay trên thế giới, nhiều học viện âm nhạc mang tên ông được thành lập để đào tạo và bồi dưỡng những tài năng âm nhạc cho tương lai.

Nguồn: http://facts.baomoi.com/2009/03/21/piano-b%E1%BA%AFt-d%E1%BA%A7u-xu%E1%BA%A5t-hi%E1%BB%87n-t%E1%BB%AB-khi-nao/
http://vi.wikipedia.org/wiki/D%C6%B0%C6%A1ng_c%E1%BA%A7m
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2009-12-13-cristofori-va-giac-mo-tro-thanh-su-that
http://pianofingers.vn/tu-van-kien-thuc/-ong-hoang-nhac-cu-tung-bi-hat-hui-129.html

Bình luận bằng Facebook

comments