Tưởng chừng như cách làm này có vẻ lạ lạ, tuy nhiên hãy xem thử phương pháp độc đáo của bà mẹ này khi cai sữa cho con nhé !
Sau 3 lần “lăn lên, lộn xuống” cai sữa cho con thất bại, mình phát hiện ra một mẹo nhỏ nhưng hiệu quả lớn.
Cai sữa cho con, có người chỉ đơn thuần sử dụng mẹo truyền miệng dân gian, có người tuân thủ một cách có quy tắc từng bước của cách cai sữa hiện đại. Mỗi người một bí quyết, điều quan trọng là công cuộc cai sữa không khiến bé bị sốc, thành công và đảm bảo được sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Đã gần 2 năm từ khi Gab bắt đầu cai sữa nhưng mình vẫn nhớ như in “chiến dịch cắt cơn nghiện ti mẹ” của con. Mình phải mất đến gần nửa năm với 4 lần “lăn lên, lộn xuống” cái sữa cho Gab mới thành công.
Lần đầu “làm chuyện ấy” (cai sữa) nên mình ngơ ngơ, ngẩn ngẩn chẳng rõ nên làm gì. Thấy mẹ chồng bảo, quấn tóc rối và dùng bút màu sặc sỡ “hóa trang” thật nhem nhuốc quanh ti, mình “ngoan ngoãn” làm theo. Rồi mỗi lần Gab mon mèn đòi bú là 2 vợ chồng mình như “phường chèo”, kêu gào “Đau lắm, đắng lắm!” ầm ĩ cả lên. Thậm chí, chồng mình còn quằn quại đạt đến mức “diễn mà như không diễn”, nhưng vẫn không ăn thua. Vì, đến ngày thứ 2, Gab “bắt bài” và ăn vạ, giật mình thon thót, gào khóc suốt đêm đòi bú. Nghĩ xót con mình tặc lưỡi “Thôi hết lần này”… Thế là công cốc!
“Thua keo này, ta bày keo khác”, nhân tiện một lần phải đi công tác, sau khi tìm hiểu kinh nghiệm từ anh chị em đồng nghiệp, mình lại quyết tâm cai sữa cho Gab. Bắt đầu là việc gửi Gab về bà nội 3 ngày “kiên quyết” không gặp. Đến ngày thứ 4, gặp lại mẹ, Gab khóc nức nở và đòi ti mẹ bằng được. Không cam lòng, mình lại cho con bú. Thấy thế chồng ngấm nguýt: “Thế là con lại thắng mẹ rồi”.
Thấy hành trình cai sữa cho con của mình hơi gian nan, bác hàng xóm “rỉ tai”, để thật căng sữa đến khi không chịu được nữa, sau đó, cho con bú kiệt thì sữa không về nữa. Bác cũng dặn là cách làm này rất đau. Và thêm một mẹo nhỏ nữa là luộc 1 quả trứng gà bóc sẵn cho vào bát đặt dưới gầm giường (nơi bé có thể tự lấy được), mẹ chỉ cho bé ra lấy rồi cho bé ăn, không nhất thiết phải ăn hết nhưng miễn là bé có ăn, như thế bé sẽ không đòi ti nữa.
Mình thì vốn dĩ sợ đau nên đương nhiên sẽ chọn “đường dễ đi”. Một buổi tối, mình “yểm bùa” quả trứng theo đúng hướng dẫn và Gab cũng bị dụ dỗ bò vào lấy ăn. Cắn 2 miếng, cu cậu nhằn nhằn, nhổ phì phì rồi cười toe toét (điệu cười nịnh bú) và mẹ méo xẹo cười đáp lại. Kế sách thứ 3, “tan thành mây khói”.
Nghĩ đến cai sữa mình thấy oải. Nhưng không cai thì cũng không được. Tình cờ một lần lướt web, mình đọc được một bài viết nói rằng, muốn cai sữa cho con thì ăn thật nhiều các gia vị như: tỏi, hạt tiêu… sẽ khiến sữa có mùi hôi làm bé cảm thấy khó chịu, bỏ dần thói quen bú mẹ.
Một ý tưởng lóe lên trong đầu mình. Nhớ lại một lần, mình ăn bún chả với quá nhiều tỏi, khi về cho Gab bú, Gab có vẻ hờ hững và chê ti mẹ. Nhưng vì thời điểm đấy cu cậu còn bé xíu xiu nên mình chưa nghĩ gì đến chuyện cai sữa. Mình hí hửng, gần 1 tuần liền, ngày nào cũng “xơi” tỏi đến độ người ám đầy mùi… (nghĩ lại đến giờ sống mũi vẫn còn ghê). Ngày đầu tiên, cu cậu còn bứt rứt khó chịu. Đêm giật mình tỉnh giấc cứ lần sờ ti mẹ, miệng nhóp nhép mà nhìn thương lắm! Nhưng, mấy ngày sau thì chàng ta bắt đầu thờ ơ (chắc nhét ti vào miệng con, con cũng nhè ra). Sau 4 đêm, Gab thôi quấy khóc, không đòi ti mẹ, “chiến dịch cai sữa dài kỳ” kết thúc bằng một giấc ngủ trọn vẹn cho cả nhà!
Những lưu ý khi cai sữa cho con
- Với trẻ em, bú mẹ không đơn thuần là ăn uống mà còn là một trò chơi, một nhu cầu tình cảm. Vì vậy, theo bác sĩ Ý Nhi, không nên đột ngột ngừng hẳn việc cho con bú vì điều đó có thể khiến trẻ bị sốc và sinh biếng ăn. Tốt nhất là nên giảm từ từ, nếu vẫn cho bú 4-5 lần một ngày thì giảm thành 3, sau đó thành 2, rồi 1. Thay các bữa bú bằng những thức ăn khoái khẩu của trẻ. Và khi trẻ chịu ăn những món này, không nên tiếc lời khen để khuyến khích.
- Khi ngừng hẳn việc cho bú, người mẹ sẽ thấy xót ruột vì bé có thể quấy khóc, hờn dỗi, bỏ ăn. Tuy nhiên, lúc này cần dứt khoát vì chỉ cần bạn mềm lòng cho bú lại, những lần cai sau này sẽ rất khó khăn. Từ lúc này, cũng không nên cho trẻ sờ ti bởi việc này sẽ gợi cơn thèm bú và tạo thói quen xấu.
- Không nên cai sữa cho trẻ vào những ngày thời tiết xấu như trời quá nóng, quá ẩm hay quá rét, khi mà ngay cả người lớn cũng thấy mệt mỏi khó chịu. Sự thay đổi một thói quen ăn uống và các stress xuất hiện lúc này dễ làm trẻ ốm. Cũng nên tránh thời điểm trẻ bị ốm, mệt mỏi, sốt và đặc biệt là khi bị tiêu chảy (lúc này, hệ tiêu hoá còn yếu nên sữa mẹ là thức ăn an toàn nhất).
- Ngành y tế khuyến cáo các bà mẹ cho con bú đến 24 tháng tuổi. Tuỳ vào hoàn cảnh, một số người có thể cai sữa sớm hơn. Tuy nhiên, việc cai trước 12 tháng sẽ gây thiệt thòi nhiều cho bé, bởi sữa mẹ không chỉ là nguồn dưỡng chất hoàn hảo mà còn chứa các kháng thể giúp bé phòng chống bệnh tật – những yếu tố mà thực phẩm khác không có được.
Nên cai sữa cho con vào lúc nào ? Mời bạn tham khảo ý kiến của các bà mẹ theo phiếu điều tra từ Vnexpress.net
Theo Eva.vn và Vnexpress.net