Tôi từng ở Mỹ một thời gian dài và giờ đây thì thấy hối hận vì sự lựa chọn này. Chúng ta đã bị mụ mẫm bởi truyền thông phương Tây luôn luôn làm cho ta nghĩ rằng Hoa Kỳ là một đất nước hiện đại. Nuôi hy vọng học tập khoa học tân kỳ của Mỹ để về phục vụ quê hương, tôi đã bằng mọi nỗ lực để theo đuổi “siêu cường” đó, thế nhưng kết quả lại thật đáng thất vọng!
(1) Hoa Kỳ thực ra chỉ là một cái làng nông nghiệp khổng lồ kém phát triển. Ở trường trung học các thầy giáo vẫn dạy rằng công nghiệp càng phát triển thì môi trường lại càng bị xâm hại. Ví dụ như trong một thành phố công nghiệp bạn phải thấy ống khói khắp nơi, các xí nghiệp to khắp nơi và bụi cũng khắp nơi. Đó mới là biểu tượng của công nghiệp hóa! Thế còn Hoa Kỳ thì sao? Đố bạn tìm ra các ống khói, thảng hoặc mới thấy một vài cái nho nhỏ nhưng lại là thứ để trang điểm cho nhà dân. Thay vào đó là những dòng sông và hồ nước sạch khắp nơi nơi và chẳng có các nhà máy giấy và luyện thép nơi bờ sông. Không khí trong lành và sạch là biểu tượng của một xã hội thô sơ và đó không thể là dấu tích của công nghiệp hóa !
(2) Người Mỹ chẳng hiểu gì về kinh tế. Các tuyến đường cao tốc tỏa đi mọi phương, có lẽ là đến mọi làng xóm, tuy nhiên khó tìm ra nổi một trạm thu phí! Thật là một sự phung phí khủng khiếp cơ hội kinh doanh! Khó có thể cưỡng nổi ý định của bản thân là xúc một ít xi măng để xây vài trạm thu phí và chắc chắn là chỉ trong vòng một tháng tôi sẽ có đủ tiền để mua một căn nhà trông ra Đại Tây Dương. Ngoài ra, bên lề đường cao tốc bạn có thể thấy những mặt hồ tĩnh lặng còn hoang dã. Chính quyền để mặc cho lũ chim cư ngụ và vẫy vùng thỏa sức mà không nghĩ tới việc thiết lập vườn cảnh quan trông ra hồ để kiếm bộn tiền. Rõ là người Mỹ không có cái đầu làm kinh tế.
(3) Ngành xây dựng Hoa Kỳ quả là quá thô sơ. Ngoài một số lượng nhỏ các thành phố lớn (mà bạn đã biết) thì không có những tòa tháp bê tông và gạch chọc trời… Tôi sợ rằng hình như Mỹ không có các tòa nhà bằng gạch. Hầu hết nhà cửa làm bằng gỗ và vài thứ vật liệu lạ khác. Sử dụng gỗ thô sơ để xây nhà thì dường như những kiến trúc ngoại bang này còn chưa qua thời phong kiến trước khi có nhà Thanh!
(4) Lối tư duy của người Mỹ ngây ngô và lạc hậu. Khi mới tới Mỹ tôi thuê một cái xe kéo chở hành lý giá 3 đôla, nhưng lại không có tiền lẻ. Một người Mỹ thấy tôi có nhiều đồ nên đã trả 3 đồng đó và thuê xe cho tôi. Người Mỹ thường cởi mở và hỏi xem tôi có cần giúp đỡ gì không. Ở nước tôi, đã qua thời của Lôi Phong vào những năm 50 và 60 thế kỷ trước cho nên bây giờ thì cái lối cư xử đó quả là quá lạc hậu! (Lôi Phong là thanh niên thời phong trào thi đua cộng sản Mao, người từng được nêu gương sáng về đạo đức hy sinh bản thân). Trở lại thời kỳ đó, con người ta rất đạo đức giả, nhưng bây giờ thì chúng ta không theo lối mòn đó nữa. Chúng ta tiến hành mọi việc giờ đây một cách trần trụi và đó mới là hiện đại hóa! Bởi vậy lối tư duy của Mỹ lạc hậu hơn chúng ta vài thập kỷ và không có dấu hiệu nào cho thấy rằng họ có khả năng đuổi kịp chúng ta.
(5) Người Mỹ không biết ăn thịt thú rừng. Có một đêm tôi lái xe đi cùng một bạn học đến thành phố khác và bất thình lình mấy con nai Sika (một giống nai đốm có nguồn gốc từ Nhật Bản – ND) nhảy xổ ra. Anh bạn cùng lớp lập tức phanh gấp và đổi hướng để tránh tai nạn. Hình như là trường hợp kiểu này thường xảy ra khi mà sự va chạm với một con nai cũng đủ để làm vỡ tan chiếc ô tô. Chính phủ Mỹ không biết quản lý chuyện này như thế nào… Và người Mỹ quả thực không biết ăn thịt thú rừng, họ cũng không có cả quán ăn chuyên thịt thú rừng, rất ít khẩu vị đối với thú rừng thơm ngon bị giết thịt như hươu, nai và kém hứng thú bán sừng hươu nai để kiếm những khoản tiền lớn! Người Mỹ sống cùng động vật hoang dã hàng ngày và còn đưa ra những biện pháp để bảo vệ chúng. Đó quả thật là một xã hội sơ khai.
(6) Người Mỹ không biết tự trọng. Các giáo sư ở trường đại học Mỹ không có bộ dạng hoành tráng (架子); họ không hề có cái phong thái của những giáo sư đạo mạo. Nghe nói rằng vị giáo sư D… là một giáo sư về tâm lý học nổi tiếng, thế nhưng trong giờ giải lao thì ông ta lại ăn bánh quy trong phòng làm việc với các sinh viên của mình, bàn luận về bộ phim “21” và nữ nghệ sĩ Trung Quốc Trương Tử Di (Ziyi Zhang). Ông ta không hề có cái vẻ đường bệ của một nhà khoa học, cho nên tôi thực sự cảm thấy thất vọng. Ngoài ra, các nghiên cứu sinh sau tiến sĩ chẳng bao giờ đưa học vị “PhD” lên danh thiếp của họ và họ không biết cách thể hiện ra ngoài vị thế của mình. Những người được đào tạo bởi các giáo sư kiểu như vậy sẽ chẳng thể nào biết cách đi đứng, nói năng nếu như họ trở thành những quan chức chính phủ… Có vẻ như các công chức Trung Quốc còn biết cách thu hút sự kính trọng của người dân; ngay cả một vị thủ trưởng một văn phòng không mấy quan trọng ở nước tôi còn tỏ ra đường bệ hơn cả Tổng thống Hoa Kỳ. Không có gì phải ngạc nhiên khi người ta nói công dân hạng nhất ở Trung Quốc chỉ xứng với công dân hạng ba ở Mỹ.
Nguồn:
“Phạm Gia Minh dịch từ Tea Leaf Nation một trang mạng liên kết đối tác của tờ Atlantic.”