Tại sao người Việt lại về quê ăn Tết?

0
866

Xin chào các bạn hôm nay Những điều thú vị sẽ cùng các bạn trả lời một câu hỏi mà xuất hiện khá nhiều đó là Tại sao người Việt lại về quê ăn Tết?

Trước tiên chúng ta cùng tìm hiểu Tết là gì?

Tết hay còn được gọi bằng nhiều tên khác như “Tết Nguyên Đán”, “Tết ta”, “Tết Âm Lịch” hay ” Tết cổ truyền” là dịp lễ đầu năm âm lịch quan trọng và có ý nghĩa bậc nhất ở Việt Nam, cùng với văn hóa Tết Âm lịch của các nước Đông Á. Trước ngày Tết, người Việt có các phong tục như “cúng Táo Quân” (23 tháng chạp âm lịch) và “cúng Tất Niên” (29 hoặc 30 tháng chạp âm lịch)

Trên đây là khái niệm cơ bản mà Những điều thú vị nêu ra để các bạn hiểu lại về tết cổ truyền của dân tộc ta. Ngoài ra còn những kiến thức về Lịch sử hình thành tết, nguồn gốc ra đời, các giai đoạn chính trong tết như thế nào hay các hoạt động lễ hội dịp tết các bạn có thể tìm hiểu ở wikipedia  đã trình bày rất rõ.

Những điều thú vị sẽ đưa ra các lý do vì sao người Việt lại về quê ăn Tết?

Về quê ăn Tết là ta về với cội nguồn. Cái nguồn cội sâu xa có gì mà thăm thẳm vậy. Hình như trong mỗi con người thuần Việt ai cũng có chút ít chất ruộng, chất đồng, chất quê, chất kiểng. Dù anh có sinh ra, sống ở thị thành thì anh vẫn ăn hạt gạo quê, nghe giọng dân ca các miền quê. Quê không chỉ là miền quê là cái chất quê quê thuần phác mà quê ở ngay trong giọng nói, ứng xử của dân miền lúa nước.

Nhiều lúc tôi cứ bần thần khi nhẩm tính ở nước non mình mềm như dải lụa đào uyển chuyển lại có bao nhiêu xứ: Xứ Quảng, Xứ Huế, Xứ Nghệ, Xứ Thanh, Xứ Bắc, Xứ Đoài… Đôi lúc ta thành người xa xứ nhưng không thể xa quê. Tiếng quê, giọng quê, món ăn quê, người quê và cả Tết quê. Tết quê có gì thật riêng, thật đậm, thật mộc. Mộc trong cả món ăn ẩm thực.

Cũng món thịt lợn thôi, nhưng chiều 30 Tết ta thèm nghe tiếng lợn kêu, được góp vài ba nhà “đụng” một con lợn hơi. Được chia đều từ lòng, thủ, thịt vai, thịt chân giò… Còn nóng hôi hổi, còn bốc khói đã bắt mắt, đã nằng nặng tay, đã xuýt xoa ơi ới, tay dao, tay thớt, nghe thật vui, thật ồn ã, náo động cả góc làng, góc xóm hồ hởi mà tươi trẻ lại. Trẻ thì được thêm cái bong bóng, già thì dành cho quả tim tươi đỏ. Chứ không lạnh ngắt, tái tê, bèo nhèo, thổng thượt như các phản thịt bán ngoài chợ.

Rồi gạo nếp từ tay mẹ làm ra, xay, giã, giần sàng, còn mùi đồng, mùi ruộng  vốc lên đã thấy thơm, thấy bùi. Lá dong cũng hái ở ngoài vườn thêm những nắm đỗ đồ lên thật dẻo với nút lạt dang đã thành bánh chưng lại lục bục đun sôi, lại bập bùng ánh lửa đêm 30 Tết mà thành cổ trời tròn, đất vuông dâng lên tổ tiên ông bà trong mùi hương trầm thơm ngát.

Hoa Tết ở quê cũng là hoa tươi, hoa thật. Hoa vừa mới hái trong vườn, cuống còn ứa nhựa. Hoa cũng mộc như lời mời của người bán hoa là nụ cười tươi tắn, rạng rỡ của cô thôn nữ, má cũng ửng hồng như hoa. Em bán hoa để mua thêm cái áo hoa điểm tô thêm vẻ đẹp của ngày Tết. Ta mua hoa hay mua cả hương vị của quê của sự thuần phác ân tình khó mà phai, khó mà rụng.

Ăn Tết để ngày cuối năm ta ra nghĩa trang của làng thắp nén nhang lên nấm mộ của ông bà tổ tiên, nén hương của người con xa quê, sợi khói hương trầm hình như cũng lưu lại lâu hơn trong gió.

Về quê ăn Tết ta được sống lại với cái tuổi ngày xưa được “lì xì” những phong bao đỏ. Chút quà nhỏ mà đưa lại bao hứng khởi may mắn. Cho và nhận, âu đó cũng là tấm lòng thơm thảo để được sẻ chia để được giao hòa trong một cộng đồng bao dung và hướng thiện…

Về quê ăn Tết ta được trở lại chính mình. Tết là thời gian được nghỉ ngơi phù hợp với lịch thời vụ gieo trồng trong năm. Đây cũng là thời kỳ thiên nhiên phát tiết đâm chồi, nảy lộc. Con người được hòa mình vào thiên nhiên tắm trong tươi tốt của hội hè đình đám. Tết như cái gạch nối bắc cầu giữa hai năm cũ và mới, hồi sinh và phục thiện. Về quê để được ăn Tết ở quê cũng chính là để ra đi mở đầu một năm mới từ một bệ phóng cội nguồn tâm linh thăm thẳm…

Chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán năm 2020 Những điều thú vị xin chúc tất cả các bạn năm mới An Khang – Thịnh Vượng- Sức Khỏe

 

Bình luận bằng Facebook

comments