Vì sao người miền Bắc cắm cành đào ngày Tết?!

0
1655

Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, hoa đào lại rực rỡ khoe sắc khắp đất trời xứ Bắc. Từ trong nhà, ngoài vườn và cả trên đường phố, người ta đều bắt gặp sắc hồng của loài hoa này. Tuy vậy, có lẽ ít ai hiểu rằng vì sao đào lại trở thành loài cây được nhắc nhiều nhất trong mùa xuân, trong những ngày Tết cổ truyền.

Sự tích hoa đào

Sự tích hoa đào
Người thì bảo đào có nguồn gốc từ Ba Tư, nhưng cũng lại có ghi chép cho rằng tổ tiên của đào là từ đất Trung Quốc, tên khoa học là Prunus persica thuộc họ Rosaaceae. Đào được nhắc đến không chỉ là một loại cây phổ biến ở vùng châu Á mà còn gắn liền với câu chuyện tín ngưỡng giải thích tại sao đào là loại cây không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền.

Tích xưa kể rằng, ở phía Đông núi Độ Sóc có một cây hoa đào mọc đã lâu đời. Cành lá đào to lớn khác thường, bóng cây che phủ cả một vùng rộng… có 2 vị thần tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ ở trên cây hoa đào khổng lồ này. Các vị diệt trừ ma quái, giúp cho người dân trong vùng có được cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Khiếp sợ trước quyền năng to lớn của 2 vị thần, lũ yêu ma cũng sợ luôn cả cây đào. Chỉ cần trông thấy cành hoa đào là chúng đã sợ hãi bỏ chạy.

Tuy nhiên, đến ngày cuối năm, cũng như các thần khác, 2 thần Trà và Uất Lũy phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Chính vì thế, lũ yêu tinh được dịp hoành hành, tác oai tác quái. Để ma quỷ khỏi quấy phá, dân chúng đã nghĩ ra một cách là đi bẻ cành hoa đào về cắm trong lọ. Nếu ai không bẻ được cành đào thì lấy giấy hồng điều vẽ hình 2 vị thần linh dán ở cột trước nhà để xua đuổi ma quỷ. Từ đó, hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến, mọi nhà đều cố gắng đi bẻ cành hoa đào về cắm trong nhà để trừ ma quỷ. Tuy nhiên về sau, người ta quên mất ý nghĩa thần bí của tục lệ này vì không còn tin vào ma quỷ, thần linh như tổ tiên ngày xưa.

Ý nghĩa hoa đào cho ngày Tết

Ý nghĩa hoa đào cho ngày Tết
Không chỉ tô điểm cho không gian ngày Tết thêm ấm cúng, tươi vui, hoa đào còn được người xưa gửi gắm rất nhiều tầng ý nghĩa.

Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới đào có những ý nghĩa biểu tượng sau:

Hoa đào là hình ảnh của sự đổi mới và sức sinh sản dồi dào. Ở Trung Quốc người ta lấy nó biểu tượng cho lễ cưới.

Hoa đào còn gợi người ta nhớ tới tình nghĩa thủy chung. Trong Tam quốc, ba vị: Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi trong vườn đào đã cùng kết nghĩa huynh đệ và nguyện: “Không sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm nhưng nguyện chết cùng ngày cùng tháng”. Vườn đào là nơi đã chứng kiến cho tình bạn thắm thiết thật đáng khâm phục của ba con người. Có lẽ vì lời nguyện này mà mãi đến ngày nay, nếu thấy vườn nhà ai có nhiều hoa đào rực rỡ thì mọi người đều nhớ đến tích xưa và có thể đưa người bạn thân nhất của mình đến xin kết nghĩa.

Hoa đào tượng trưng cho sự trong trắng và thủy chung theo quan niệm của người Nhật Bản.

Đối với người Việt ta, Hoa đào biểu tượng cho mùa xuân, vì loài hoa này mang lại nét tươi đẹp, ấm áp, hoa có màu đỏ sẽ mang lại sự may mắn và hạnh phúc và đặc biệt có tác dụng trừ tà ma theo truyền thuyết dân gian, ngoài ra nó làm cho tình bạn ngày càng gắn kết, thân thiết trường tồn.

Cây đào được xem là tinh hoa của Ngũ hành, theo phong thủy cây này có thể trị bách quỷ nên khi đón năm mới ta thường thấy các gia đình hay trồng đào trước cửa nhà. Hoa đào còn là biểu tượng cho sự đổi mới và sức sinh sôi phát triển mạnh mẽ.

Không chỉ vậy, hoa đào còn tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở. Ai cũng mong muốn có một năm an khang thịnh vượng, làm ăn thuận lợi, phát tài, gia đình vui vẻ. Hoa đào như gieo vào lòng người niềm tin, hi vọng về những điều tốt đẹp trong tương lai. Hoa đào đem đến nguồn sinh khí mới, mọi người trong gia đình dồi dào sức khỏe, vạn sự như ý.

ĐỌC THÊM >> Ý nghĩa và cách bày mâm ngũ quả ngày Tết theo phong tục 3 miền

Nguồn: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/vi-sao-nguoi-mien-bac-cam-canh-dao-ngay-tet-67942.htm

Bình luận bằng Facebook

comments