Chú cá sấu mang đuôi giả vài nghìn USD

0
3528

Không chỉ trong thế giới hoang dã, ngay tại các vườn thú cũng có rất nhiều câu chuyện kỳ lạ về các loài động vật. Dưới đây là một số câu chuyện được ghi lại từ các vườn thú từ khắp nơi trên thế giới

Trên thế giới, hầu như vườn thú nào cũng có cá sấu. Nhưng chắc chẳng có nơi nào có cá sấu nổi tiếng như chú cá sấu được trẻ em gọi là “Ông Stubbs” (Mister Stubbs) ở Vườn thú Arizona (Mỹ). Khác với đồng loại, ông Stubbs cực kỳ hiền lành, “như một cục đất” vậy. Bởi thế, ông Stubbs mới bị một anh bạn già hơn bắt nạt, cắn cụt một khúc đuôi.

Тừ đó trở đi, “ông Stubbs” trở nên nổi tiếng vì chưa một đồng loại nào trông lại kỳ lạ như vậy. Stubbs trở thành một “nhân vật” độc đáo, hấp dẫn của vườn thú này. Từ nhiều bang trên đất Mỹ, trẻ em kéo đến xem “ông cá sấu có chiếc đuôi nhân tạo” trông rất kỳ khôi.

Chiếc đuôi này do các nhà khoa học Arizona chuyên chế tạo chân tay giả công nghệ cao thiết kế riêng cho Stubbs bằng cao su nhân tạo và silicon. Nó cũng được nối với dây thần kinh nên cử động được theo ý chủ. Bởi thế, cái đuôi giả này trị giá tới vài nghìn đôla.

“Ông Stubbs” năm nay mới lên 9. Thông thường, cá sấu sống 60 năm và càng lớn tuổi thì thân hình càng to. Vì thế nếu tính đến khi chết già thì Stubbs sẽ phải thay chiếc đuôi giả này 40 lần. Cho nên việc nuôi Stubbs sẽ rất tốn kém, lên đến vài tỷ tiền Việt.

Đến Thái Lan, không thể không xem voi. Chỉ ở vương quốc này mới có “Ngày lễ hội voi”. Đó là ngày 13/3 hàng năm được tổ chức đến nay là lần thứ 15. Voi được tôn kính ở nhiều nước châu Á, nên bạn chớ trêu chọc nó vì đụng chạm đến niềm tin của người dân. Voi Thái có một bệnh viện riêng ở Chieng Mai. Thái Lan coi voi là biểu tượng quốc gia, ngay trên quốc huy cũng có hình chiếc đầu voi.

Voi trong suốt lịch sử Vương quốc Thái Lan, đóng một vai trò không thể thay thế. Voi là người giúp đỡ trong các hoạt động ở nông thôn, là một binh chủng (“tượng binh”) lợi hại trong quân đội xưa kia. Tuy nhiên, với sự ra đời của vũ khí, cũng như máy móc, chức năng chiến đấu và lao động của voi không được ai nhắc đến nữa. Giờ đây chúng chỉ để làm xiếc và phục vụ ngành du lịch.

“Ngày lễ hội voi” được tổ chức trọng thể nhất tại một địa điểm ở phía bắc Bangkok, cách thủ đô khoảng 80km. Trên một quảng trường rộng, có cuộc diễu hành lớn với sự tham gia của bầy voi đủ lứa tuổi, từ các chú voi lũn cũn 2-3 tháng tuổi đến các cụ voi già lụ khụ. Chúng còn được mặc “quần áo” đẹp, trang trí lộng lẫy, được ăn trái cây, bánh ngọt.

Để giúp cho những người không thể tự mình đến với thú lạ, thì thú lạ sẽ đến với người, đặc biệt đến với trẻ em. Với cách phục vụ ấy, các công nhân viên vườn thú River Safari ở Singapore đã di chuyển thú lạ từ nơi này đến nơi khác. Mua được bầy lợn biển 7 con về, họ tổ chức mang thú lạ đi trưng bầy.

Để giải thích lợn biển là gì, chúng ăn uống thế nào, sinh hoạt ra sao không gì bằng xem tận mắt. Thì ra, lợn biển tựa như những con cá voi con, đôi khi còn gọi là bò biển, là một loại thú thích sống ở vùng nước ấm.

Khối lượng trung bình của lợn biển là 700kg, nên mỗi ngày chúng ăn hết từ 27 đến 45kg thực vật mới đủ nuôi tấm thân đồ sộ ấy. Chúng hoàn toàn vô hại. Mặc dù cấm nghiêm ngặt, những thợ săn vẫn tìm cách giết hại chúng để lấy thịt, làm những món ăn đặc sản. Tại Công viên động vật bán hoang dã ở cửa sông Amazon, số lượng xuất hiện của chúng được xem như triệu chứng để dự báo lũ lụt.

Bảo Châu (Theo pravda.ru)

Bình luận bằng Facebook

comments