Loài chuột nhím ở Đông Phi là động vật có vú đầu tiên trong tự nhiên được phát hiện biết tự tạo lớp áo bảo vệ tẩm độc chiết xuất từ cây cối.
Loài chuột nhím ở Đông Phi là động vật có vú đầu tiên trong tự nhiên được phát hiện biết tự tạo lớp áo bảo vệ tẩm độc chiết xuất từ cây cối. Ảnh: Sciencemag |
Theo các nhà khoa học, loài chuột nhím ở Đông Phi, có tên khoa học là Lophiomys imhausi, đã tìm ra phương pháp độc đáo để tự bảo vệ bản thân trước những kẻ săn mồi. Cụ thể là, chúng nhai rễ và vỏ cây độc Acokanthera để chiết xuất chất độc ouabain.
Thổ dân ở Kenya cũng thường xuyên sử dụng cùng loại chất độc trên để tẩm đầu các mũi tên, vốn có thể giúp bắn hạ cả một con voi.
Trong trường hợp của chuột nhím, chúng dường như miễn dịch với độc tố ouabain. Chất độc này được hấp thụ vào các sợi lông rỗng đặc biệt ở hai bên sườn của con vật. Khi bị tấn công, chuột nhím xù lông tua tủa. Bất kỳ động vật ăn thịt nào phớt lờ lời cảnh báo đó và xông vào cắn chuột nhím sẽ phải hối tiếc hoặc chết vì suy tim.
Các báo cáo ghi nhận, nhiều con chó đã ngã quỵ và chết nhanh chóng sau khi cắn một con chuột nhím. Số khác may mắn sống sót qua cuộc chạm trán thì về sau luôn e ngại tránh xa loài vật nguy hiểm này.
Tờ Daily Mail dẫn lời tiến sĩ Jonathan Kingdon thuộc Đại học Oxford (Anh) cho biết: “Với chiều dài khoảng 40cm – 50cm, chuột nhím trông khá vô hại khi leo trèo trong các thung lũng rừng và đất đá ở Kenya cũng như vùng Sừng châu Phi. Nhưng một khi bị quấy rầy hoặc bị tấn công, lớp lông dài ở hai bên sườn của nó sẽ xù lên để lộ ra phần đen và trắng bao quanh vùng lông đặc biệt hình lá cây, cứ như là đang thách thức kẻ săn mồi cắn vào những sợi lông độc hại đó”.
Nhiều loài ếch cây đang sử dụng thủ thuật tự tẩm độc bảo vệ tương tự bằng cách chiết xuất chất độc từ cây cối, nhưng các nhà học chưa từng quan sát được việc tương tự ở một loài động vật có vú trước đây.
Khám phá mới về loài chuột nhím đã được công bố sau khi các nhà khoa học quan sát được một con chuột hoang dã nhai vỏ và rễ cây Acokanthera, hòa trộn chất độc ouabain với nước bọt của chúng rồi chọn lọc chuyển hỗn hợp độc tố đó tới các sợi lông rỗng.
Họ đã vô cùng kinh ngạc khi nghiên cứu các sợi lông chứa độc của loài chuột này trong phòng thí nhiệm. Khi quan sát dưới kính hiển vi, mỗi chiếc lông trông khá phức tạp với một hệ thống tường bao bên ngoài và một bó sợi trong lõi, giúp hấp thụ và lưu trữ chất độc ở dạng lỏng.
Thanh Bình (Vietnamnet)