Ngày 5.3, các nhà khoa học Pháp cho biết vừa phát hiện một loài virus “khổng lồ” đã hồi sinh sau gần 30.000 năm bị chôn vùi dưới lớp băng vĩnh cửu ở vùng Siberia – nơi nhiệt độ trung bình năm là -13,4 độ C.
>> Mô hình Virus độc đáo được làm bằng thủy tinh
>> “Chuyện ấy” và những con số thú vị
>> Graphene: Vật liệu mới cứng hơn thép, nhẹ hơn lông chim
>> Những nơi nhiều vi khuẩn có thể bạn chưa biết
Đây là loại virus chưa từng thấy trước đó. Các nhà khoa học đã phát hiện ra virus cổ xưa khi nuôi dưỡng các amip tồn tại trong những mẫu đất đóng băng vĩnh cửu. Ngay sau khi được lấy ra, loài virus trên đã có thể lây nhiễm trở lại.
Loại virus này được các nhà khoa học đặt tên là Pithovirus sibericum bởi nó có hình dạng của một chiếc bình 2 quai (“pithos” là từ để chỉ một chiếc bình trong tiếng Hy Lạp). Kích thước của loại virus này thuộc loại “khổng lồ” nhất từ trước tới nay, khoảng 1,5 micromét; chứa đựng tới 500 gene, trong khi các virus gây bệnh cúm hiện chỉ sở hữu 8 gene.
Tuy nhiên, đây lại là một lợi thế giúp các nhà khoa học có thể quan sát nó dưới kính hiển vi quang học bình thường, mà không cần phải dùng tới các kính hiển vi điện tử tân tiến. Hiện, virus Pithovirus sibericum được coi là thành viên đầu tiên của một lớp virus khổng lồ mới, có họ Megaviridae.
Điều đặc biệt, loại virus này không gây nguy hại cho con người và động vật, nó chỉ tấn công một loại amip có tên gọi là Acanthamoeba. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo rằng sẽ có nhiều loại virus nguy hiểm xuất hiện bởi lớp băng vĩnh cửu này đang tan dần do biến đổi khí hậu.
Theo B.T
http://dantri.com.vn/chuyen-la/virus-khong-lo-hoi-sinh-sau-30000-nam-846787.htm