Kỹ năng cơ bản sơ cứu khi bé bị hóc

0
3825

Con hóc hạt nhãn: Vài giây thao tác bố mẹ nào cũng cần phải xem để cứu mạng con

Dấu hiệu bất thường khi con bị hóc dị vật bố mẹ cần biết:

– Đột ngột ho dữ dội, da tái xanh, sặc sụa, tím tái, chân tay cứng đờ, không thể khóc, ú ớ.

– Trong trường hợp nặng thì có thể xuất hiện nước, sữa, canh… trào ra từ mũi, miệng của bé.

Nguy hiểm hơn, trẻ có thể xuất hiện những cơn ngừng thở và tử vong ngay lúc đó.

Hướng dẫn bố mẹ các kỹ năng để xử lý khi con bị hóc dị vật

Đối với trẻ dưới 1 tuổi: Sử dụng phương pháp vỗ lưng, ấn ngực

Cách tiến hành:

– Đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay trái hoặc đùi của bố (mẹ), đầu hướng xuống đất. Cổ tay mẹ phải nắm chặt được phần hàm của bé để cố định đầu trẻ không bị tuột, rơi xuống. Phần đầu phải được đặt dốc hơn phần ngực.

– Dùng gót bàn tay phải vỗ mạnh 5 cái vào vùng lưng giữa 2 xương bả vai của trẻ.

– Lật trẻ ngược lại và quan sát xem có dị vật nào không. Nếu có hãy dùng ngón tay để lấy ra. Nếu dị vật vẫn chưa bật ra và trẻ vẫn chưa thở được thì dùng 2 ngón tay ấn vào vùng thượng vị (trên rốn và dưới xương ức). Ấn mạnh 5 cái theo chiều từ trên xuống. Trong quá trình làm bố mẹ vẫn phải giữ tư thế đầu trẻ thấp hơn ngực

– Tiếp tục kiểm tra xem dị vật đã rơi ra chưa. Nếu chưa bố mẹ có thể lặp lại các thao tác trong khi chờ người cấp cứu đến.

Đối với trẻ lớn hơn 1 tuổi: Sử dụng Phương pháp Heimlich

– Để trẻ trong tư thế đứng người cúi về phía trước, bố mẹ đứng phía sau, hai tay ôm bụng sát trên xương ức (bàn tay ngoài nắm lấy nắm đấm của bàn tay trong lòng bàn tay này úp xuống) dùng cả thân người mình giật mạnh từ trước ra sau và từ dưới lên trên để làm tăng áp lực trong lồng ngực tống dị vật ra. Cần làm động tác nhanh và dứt khoát.

– Kiểm tra xem dị vật đã được rơi ra chưa. Tuyệt đối không dùng tay móc khi chưa thấy dị vật vì thao tác này có thể khiến dị vật rơi vào sâu hơn. Bố mẹ chỉ được dùng hai ngón tay lấy dị vật khi đã nhìn thấy.

– Tiếp tục đặt trẻ nằm xuống sàn nhà trong tư thế nằm ngửa nhưng đầu nghiêng. Sau đó lấy hai bàn tay ấn vào phía trên xương ức thật mạnh từng cái một. Sau mỗi đợt ép dùng 2 – 3 ngón tay để móc khoang miệng kiểm tra xem dị vật ra chưa.

Trong trường hợp trẻ lớn hơn bố mẹ có thể yêu cầu trẻ ho để đánh bật dị vật ra ngoài.

Lưu ý cần thiết cho bố mẹ:

– Lựa chọn thực phẩm thật kỹ trước khi cho trẻ ăn. Chú ý đến những thực phẩm có hạt, thực phẩm cứng, thực phẩm có dạng viên… để tránh cho trẻ bị hóc.

– Tuyệt đối không được cho trẻ chạy, đùa nghịch hay nằm xuống trong khi ăn. Cha mẹ nên dạy bé có thói quen tập trung cao độ khi ăn, tránh cười đùa, chạy nhảy, nằm ăn, và luôn để ý tới bé.

– Khi trẻ đã bị hóc, cố gắng giữ bình tĩnh và vận dụng các kỹ năng cần thiết để cứu con.

Nguồn: http://phunuonline.com.vn/me-va-be/suc-khoe-cua-be/con-hoc-hat-nhan-vai-giay-thao-tac-bo-me-nao-cung-can-phai-xem-de-cuu-mang-con-81203/

Bình luận bằng Facebook

comments